Chia sẻ chi tiết từ A-Z lộ trình học tiếng nhật cho người mới bắt đầu
Để bắt đầu học một ngôn ngữ mới thì việc xây lộ trình học là vô cùng cần thiết. Nếu không có lộ trình học thì gần như người học sẽ không thể biết mình phải học những gì và học trong bao lâu để có kết quả. Vậy nên bài viết này Dũng Mori sẽ “chia sẻ chi tiết từ A-Z lộ trình học tiếng nhật cho người mới bắt đầu” để các bạn cùng tham khảo nhé!
Chặng 1: Khởi động – nắm vững kiến thức cơ bản
– Ở chặng này bước đầu tiên mà người học cần nắm được chính là các kiến thức cơ bản bắt đầu từ bảng chữ cái tiếng Nhật. Trong tiếng Nhật có 2 bảng chữ cái là chữ hiragana hay còn gọi là chữ mềm, chữ Katakana hay còn gọi là chữ cứng. Cả hai bảng này có cách đọc như nhau nhưng cách viết khác nhau nên các bạn cần học thuộc chắc cả 2 bảng để thuận lợi cho quá trình học các bài khóa về sau.
Thường thì sẽ đặt ra mục tiêu 2 tuần nhớ toàn bộ 2 bảng chữ cái.Tuy nhiên nếu không thể hoàn thành trong 2 tuần được thì các bạn cũng đừng quá lo, chúng ta có thể học lâu hơn, miễn sao là nhớ vững từng chữ và cách phát âm là được.
Bước này các bạn cần học bằng mắt, tai và tay. Mắt nhìn chữ cái, tay tập viết và tai nghe phát âm của chữ.
-Sau khi học xong 2 bảng chữ cái thì các bạn học thêm 185 bộ thủ cơ bản để có thể học kanji được tốt hơn.
-Tiếp đến là kanji, từ vựng, ngữ pháp và phát âm. Đây là những kiến thức mà bạn nên ưu tiên học đầu tiên. Bởi đây là 2 yếu tố căn bản nhất để có thể hình thành nên vốn từ vựng và rèn luyện khả năng nghe, nói của bạn về sau, đừng vội vàng học những thứ cao siêu như câu cú hay văn phạm, cái bạn cần là yếu tố đầu vào phải ổn trước đã thì mới tạo được đầu ra chất lượng.
Chặng 2: Vượt chướng ngại vật
Vì sao mình gọi là vượt chướng ngại vật? Vì đây là bước mà hầu hết mọi người bỏ cuộc. Sau một thời gian đầu hứng khởi học tiếng Nhật chăm chỉ thì sẽ gặp các tình trạng lười biếng, bận rộn, các cớ nọ cớ kia khiến chúng ta không muốn học tiếng Nhật nữa.
Nếu bạn thấy mình bỏ học vài ba ngày liên tiếp, hoặc cảm giác lúc học rất là buồn chán và chỉ muốn bỏ cuộc, thì chính xác là bạn đang ở giai đoạn này rồi đó.
Bí quyết rất đơn giản: Đừng bỏ cuộc. Hãy cứ tiếp tục duy trì thói quen học của bạn hàng ngày, có thể mỗi ngày học ít thôi cũng được, học những cái dễ như luyện nghe qua âm nhạc là cách cực kỳ hiệu quả, vì nó đòi hỏi ít sự cố gắng hơn mà lại rất dễ thực hiện, nhưng cũng cực kỳ hiệu quả cho việc nâng cao khả năng nghe trong giao tiếp.
Chặng 3: Chuẩn hóa phát âm tiếng Nhật của bản thân.
Khi bạn đã cảm thấy học tiếng Nhật một cách thoải mái, và đã có được những kỹ năng tiếng Nhật cơ bản rồi, thì đây là lúc nhìn lại một chút và chuẩn hóa lại các kỹ năng của mình.
-Dành thời gian học qua các ngữ pháp quan trọng trong chương trình mà mình đã học. Sau đó rèn luyện lại phát âm, thử ghi âm các đoạn hội thoại mà bản thân tự đọc rồi nghe lại, so sánh với file nghe xem sao. Từ đó tìm ra điểm phát âm chưa chuẩn để chỉnh sửa, nhất là trường âm và âm ngắt là hai điều cần lưu ý về phát âm.
-Phát âm tiếng Nhật không giống tiếng Việt vì không có dầu, chính vì vậy nếu chúng ta không học bài bản thì chúng ta hay lấy các dấu tiếng Việt để đọc tiếng Nhật, nghe rất buồn cười. Và ngay khi vừa mới bắt đầu học được những bài khóa đầu tiên là lúc thích hợp để chúng ta luyện lại phát âm, vì nếu để lâu hơn, khi học lên N3, N2, N1 khi nói các âm đã quen rồi thì sửa lại rất khó và mất thời gian hơn.
Chặng 4: Tăng tốc
Đây là chặng mà khi nền móng vững chắc, nền tảng vững vàng. Lúc này tùy vào mục đích học tiếng Nhật của bạn là gì mà bạn sẽ chọn hướng phù hợp. Ví dụ bạn muốn học tiếng Nhật để du học, thì bạn sẽ đi theo hướng tiếng Nhật theo kiến thức để đi thi JLPT ít nhất là JLPT N4 để đủ điều kiện du học, bạn sẽ luyện rất nhiều từ vựng, đọc thật nhiều tài liệu và luyện các đề thi thử để có thể mang lại kết quả thi tốt nhất.
Nếu bạn xác định học để hội thoại mà không cần văn phong quá sách vở, không quan trọng bằng cấp thì có thể học qua xem phim anime và đọc báo, xem tin tức cũng như là nghe nhạc. Tập trung vào các hình thức học phát triển khả năng hội thoại tiếng Nhật. Hãy cứ học những gì mà bạn thấy thích và thoải mái với chúng.
Chặng 5: Học, học nữa, học mãi.
Sẽ chưa có về đích đâu các bạn nhé. Tiếng Nhật có rất nhiều khía cạnh mà bạn có thể cải thiện không ngừng và liên tục để tiến bộ và sử dụng được tự nhiên cũng như giống với người bản ngữ nhất có thể. Trong từng thời điểm, hãy chọn cho mình một kỹ năng nào đó cần cải thiện và tập trung cải thiện nó trong 3–6 tháng. Luyện nói cho phát âm chuẩn hơn, ngữ điệu hay hơn. Học thêm từ vựng chuyên ngành. Nghe hiểu từ lóng… Cho dù có đạt N1 nhưng chưa chắc đã là đích đâu nhé, bởi kiến thức lúc nào cũng vô biên mà. Có rất nhiều thứ để chúng ta học. Vậy nên hãy xác định tinh thần học không ngừng các bạn nhé!
Qua bài viết “Chia sẻ chi tiết từ A-Z lộ trình học tiếng nhật cho người mới bắt đầu” này các bạn hãy áp dụng lộ trình 5 chặng này để có thể chinh phục tiếng Nhật một cách dễ dàng nhất các bạn nhé.
Nguồn: NihonBlog