Nghệ thuật Khăn gói Furoshiki
Những nét nghệ thuật nổi tiếng của “xứ Phú tang” đa phần xuất phát từ việc sử dụng chúng trong sinh hoạt đời sống hằng ngày như nấu ăn, uống trà, gấp giấy,… hay Thư pháp Nhật Bản, Kintsugi – nghệ thuật vá gốm bằng vàng và Furoshiki cũng tương tự như vậy. Và trong bài viết này Nozomi sẽ giới thiệu đến các bạn về Nghệ thuật gói quà Furoshiki.
1. Furoshiki là gì? Nguồn gốc của Furoshiki?
Chữ Furoshiki được ghép từ hai chữ “Furo” (nhà tắm) và “shiki” (trải). Nhiều người cho rằng Furoshiki bắt nguồn từ phong tục tắm hơi của Nhật từ thời Edo bởi vì khi đi tắm người Nhật thường chuẩn bị sẵn một vải vuông, khi tắm xong họ ngồi lên tấm vải đó để lau người và thay quần áo, sau đó sẽ dùng tấm vải để bọc đồ ướt mang về.
Ban đầu, người Nhật dùng những tấm vải sẵn có để gói đồ đạc cho tiện vận chuyển hoặc là gói những đồ vật có giá trị cất giữ vào trong kho. Về sau người Nhật đã khéo léo sáng tạo biến nó trở thành nghệ thuật trong việc dùng. Nó được dùng trong những lễ nghi, hoặc gói những món quà trang trọng và trở thành một phần văn hóa trang trí đối với người Nhật.
Cũng như Origami, chỉ với một tấm vải vuông qua đôi tay khéo léo của người Nhật, họ đã biến tấm vải shiki bình thường trở nên đặc biệt hơn chỉ bằng những thao tác đơn giản và khéo léo.
Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Yuriko Koike đã quảng bá nghệ thuật Furoshiki để nâng cao nhận thức về môi trường và giảm thiểu việc sử dụng nhựa. Ngày nay, học sinh Nhật Bản sử dụng hộp bento bọc vải và nhiều người lựa chọn khăn vải để có một gói quà thân thiện với môi trường.
2. Tính nghệ thuật trong Furoshiki
Tùy thuộc vào hình dạng và kích thước của món quà. Tấm vải bọc có thể nhỏ bằng lòng bàn tay hoặc lớn bằng một chiếc ô tô. Tấm vải này có bề ngoài rất đa dạng từ độ dày cho đến hoa văn, màu sắc. Chúng là những nhân tố quan trọng tạo nên sự độc đáo của nghệ thuật Furoshiki. Người ta có thể gói bất kỳ thứ gì với một tấm Furoshiki như chai rượu, hộp cơm, sách, truyện…
Dù ra đời từ rất lâu, nhưng với sự tiện dụng và thân thiện với môi trường, Furoshiki vẫn luôn được áp dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Có thể là dùng để làm giỏ xách, khăn cài đầu hay một món đồ trang trí nội thất…
Furosishi dần trở nên phổ biến và ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Nét tinh tế, phong phú của những chiếc khăn tưởng như đơn giản mà lại chứa đựng ý nghĩa về cả tinh thần và văn hóa Nhật Bản.
Sắc màu Nhật bản được tái hiện sống động cùng với không gian văn hóa độc đáo và đầy tính sáng tạo. Nó đã mang đến cho mình nguồn cảm hứng, tình yêu với văn hóa, lịch sử và con người ở đất nước Mặt trời mọc. Vậy thì có mấy cách gói quà Nhật Bản? Hãy cùng mình tìm hiểu một số Furoshiki nhé!
3. Một số kiểu Furoshiki cơ bản
3. 1. 四つ結び (Yotsu musubi)
B1: Trải tấm shiki ra và cho món đồ có hình vuông hoặc hình chữ nhật vào giữa tấm vải. Các góc của món đồ hướng vào các cạnh thẳng của tấm vải.
B2: Thắt 2 đầu khăn đối diện của tấm vải lại sao cho ôm sát hộp quà. Thắt thêm một nút nữa bên trên và chỉnh hai đầu khăn xoè ra như hình hai chiếc lá.
B3: Làm tương tự với hai đầu khăn còn lại.
3.2. 瓶二本包み (Bin nihon tsutsumi)
B1: Trải tấm shiki ra và đặt 2 chai rượu vào chính giữa thành hàng dọc cách nhau 1 chút theo chiều chéo của miếng vải, hai đầu chai hướng ra ngoài.
B2: Gập chéo tấm vải lại phủ lên chai rồi lăn 2 cái chai cuốn tấm vải lại đến khi hết.
B3: Phần thừa của đoạn gập chéo khéo léo nhét vào khoảng vải trống giữa hai cái chai. Dựng chai lên và lèn chặt lại.
B4: Phần vải thừa ở hai đầu chai buộc lại thành một chiếc nút thắt xinh xắn.
Vậy là bây giờ các bạn đã biết một vài cách gói Furoshiki rồi phải không nào? Có phải là rất dễ không?
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Việc sử dụng túi đựng nilon bừa bãi chính là một yếu tố góp phần tạo ra nguồn rác thải khổng lồ. Thay vì vậy hãy cùng Nozomi áp dụng khăn Furoshiki để chung tay bảo vệ môi trường nhé!
Bây giờ hãy cùng bắt tay vào thỏa sức sáng tạo cùng mình với Furoshiki nhé!