Triết lý “Nhất kỳ, nhất hội” của người Nhật
Một đời người có bao nhiêu khoảnh khắc không thể nào quên? Trên thế giới mấy tỉ người này, nếu có thể gặp gỡ nhau đã là cái duyên. Thế giới này nhỏ lắm. Chỉ cần xoay người một cái là bạn không ngờ rằng mình sẽ gặp được ai. Nhưng thế giới này cũng rất lớn, chỉ cần quay lưng bước đi là sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Vì thế, hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá của cuộc sống.
Ichigo ichie có thể được dịch là “Nhất kỳ, nhất hội” (một thời điểm, một cuộc gặp gỡ). Điều này có ý nghĩa nhắc nhở với chúng ta rằng mỗi lần gặp gỡ. Mỗi thứ mà chúng ta trải nghiệm là một kho báu độc nhất sẽ không bao giờ lặp lại. Vì vậy, nếu chúng ta để nó trôi đi mà không tận hưởng nó, khoảnh khắc đó sẽ bị biến mất mãi mãi.
Nhận thức được ý nghĩa của “Ichigo ichie” giúp chúng ta sống chậm lại. Và nhớ rằng mỗi buổi sáng chúng ta dành cho thế giới. Mỗi khoảnh khắc chúng ta dành cho con cái. Và với những người thân yêu là vô cùng quý giá và đáng được chúng ta quan tâm.
Việc thực hành “Ichigo ichie” sẽ giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Viên mãn hơn mà không cảm thấy bị đè nặng bởi quá khứ hay lo lắng về tương lai. Bạn sẽ học cách sống trọn vẹn trong hiện tại, biết ơn và cảm kích món quà của mọi khoảnh khắc.
Khởi nguồn từ văn hóa Trà đạo của Nhật Bản
“Ichigo Ichie” (一期一会 – Nhất kỳ nhất hội) là một thành ngữ 4 chữ của Nhật Bản. Khi trực dịch, Ichigo Ichie mang hàm nghĩa “một thời điểm, một cuộc gặp gỡ”. Khi chiết tự, chúng ta có thể hiểu câu thành ngữ này với ý nghĩa. “Mỗi lần gặp gỡ đều đáng quý, bởi nó không bao giờ lặp lại”.
Thành ngữ này được đúc kết lại từ lời dạy của bậc thầy Sen no Rikyuu với các học trò của mình. Về ý nghĩa của việc thưởng trà. Đối với một buổi Chakai (茶会, trà hội), từ việc quét dọn con đường lát đá vào buổi sớm trước khi các vị khách ghé thăm, tiết trời vào ngày hôm đó, bông hoa nào vừa nở, bông hoa nào vừa tàn,… tất thảy đều chỉ xảy ra một lần trong đời trước khi chúng trôi đi. Vì nhận thức được tính chất độc nhất và phù du của vạn vật, mọi công việc trong nghi lễ Trà đạo đều được thực hiện với lòng tôn kính chân thành.
Nhắc tới văn hóa Trà đạo Nhật Bản
Người ta sẽ nhắc tới 4 chữ Hòa, Kính, Thanh, Tịch (和 – 敬 – 清 – 寂), nghĩa là hài hòa giữa con người với thiên nhiên, tôn kính người khác, thanh tao và yên tĩnh.Trong quan niệm của người Nhật, hương vị một ly trà không chỉ được cảm nhận bởi vị giác. Thưởng trà cần có một không gian thanh tịnh, dụng cụ vừa vặn, các bước chuẩn bị tinh tế và một tâm hồn trong sáng. Tận hưởng ly trà bằng cả trái tim, và điều ấy sẽ đem lại cho người thưởng trà những cảm giác khác biệt. Khi ấy, hương vị trà sẽ vượt qua giới hạn của một món đồ uống thông thường, lan tỏa tới mọi giác quan, chạm tới cảm xúc của con người.
Qua thời gian, từ những bức tranh chữ xuất hiện tại các phòng trà, “Ichigo Ichie” – nhất kỳ nhất hội dần phổ biến thành những bức thư pháp được người Nhật treo rộng rãi khắp các phòng khách, giảng đường, trong các món quà tặng… Cũng từ đây, ý nghĩa của câu thành ngữ dần được mở rộng với muôn vàn góc nhìn khác nhau.
Mỗi lần gặp gỡ đều là duy nhất
Người Nhật coi trọng chữ “Duyên”, đó là duyên gặp gỡ, duyên hội ngộ. Vạn vật thay đổi, thế giới đổi thay, con người cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta có thể gặp một ai đó nhiều lần, nhưng mỗi lần gặp gỡ chẳng bao giờ giống nhau. Cùng bạn bè bên ly trà nóng cuối tuần, hay một câu nói câu chào buổi sáng với đồng nghiệp, hay một lần chạm mắt với một người bên đường xa lạ, tất cả đều không bao giờ quay lại được. Mỗi phút giây, mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất. “Ichigo Ichie” nhắc nhở chúng ta hãy tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, nói ra những điều cần nói, làm những điều bạn phải làm, sống hết mình để không lãng phí từng khoảnh khắc và nuối tiếc những cuộc gặp mặt.
Chúng ta chỉ sống một lần duy nhất
“一期 – Ichigo” trong “Ichigo Ichie” là một khái niệm có nguồn gốc Phật Giáo. Và ngày nay được hiểu với ý nghĩa “một đời người”. Triết lý sống Ichigo Ichie cho rằng việc nghe, nhìn, chạm, nếm những hương vị cuộc sống này là một nghệ thuật. Không ai biết được tương lai sẽ ra sao và ngày mai sẽ thế nào. Cuộc sống là một một cánh rừng phong phú, đa sắc, được vun đắp nên từ chuỗi những trải nghiệm.
Mỗi trải nghiệm, dù ngọt ngào, dù cay đắng cũng đều là duy nhất. Rũ bỏ, quên lãng, bỏ qua, buông xuôi đều là một cách để người ta đương đầu với những điều tiêu cực. Tuy nhiên, nếu nhìn những điều tiêu cực ấy là một trải nghiệm, là bài học, là một động lực. Chúng ta có thể trở thành những phiên bản tốt hơn của chính mình cho hiện tại.
Quá khứ sẽ không quay lại, còn hiện thực vẫn đang hiện hữu. Tận hưởng khoảnh khắc hiện tại như thể đó là hơi thở cuối cùng của bạn. Đừng quên rằng, bạn chỉ có thể sống mỗi ngày một lần thôi. Nhất kỳ nhất hội.